CÔNG TY TNHH CHỨNG NHẬN KNA 

"Quality Innovation"

Những câu hỏi về hợp quy may mặc theo Thông tư 21/2017/TT-BCT

Theo quy định tại Thông tư 21/2017/TT-BCT ngày 23 tháng 10 năm 2017 của Bộ Công Thương về Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phầm dệt may, KNA xin có ý kiến về các thắc mắc của Quý doanh nghiệp liên quan đến hợp quy may mặc như sau:


câu hỏi về hợp quy may mặc

Hỏi: Trường hợp vải nguyên liệu đã được chứng nhận hợp quy rồi, nhưng khi cơ sở may mặc cho ra sản phẩm (quần, áo) từ vải nguyên trên thì có cần phải chứng nhận hợp quy lại các sản phẩm đó hay không? Hay chỉ cần dán nhãn CR lên sản phẩm (quần, áo) thôi?

Đáp: Theo quy định, sản phẩm trước khi đưa ra thị trường phải chứng nhận và dán nhãn hợp quy. Việc chứng nhận hợp quy cho sản phẩm cuối cùng (quần áo được sản xuất từ nguyên liệu là vải thành phẩm đã được chứng nhận hợp quy) phải dựa trên kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp (cơ sở may mặc) từ các nguyên liệu đó và quy trình công nghệ sản xuất tạo ra sản phẩm cuối cùng.

Trường hợp 1: Quy trình công nghệ sản xuất tạo ra sản phẩm cuối cùng cơ sở may mặc (doanh nghiệp sản xuất) chỉ đơn thuần là cắt và may (không bổ sung công đoạn mà trong đó có sử dụng hóa chất như công đoạn làm mềm, nhuộm màu, in hoa, …): Doanh nghiệp thực hiện việc công bố hợp quy, gắn nhãn CR cho các sản phẩm này (sản phẩm cuối cùng) khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp không phải lấy mẫu thử nghiệm.

Trường hợp 2: Quy trình công nghệ sản xuất tạo ra sản phẩm cuối cùng cơ sở may mặc (doanh nghiệp sản xuất) có bổ sung công đoạn mà trong đó có sử dụng hóa chất như công đoạn làm mềm, nhuộm màu, in hoa, …: Doanh nghiệp cần phải lấy mẫu thử nghiệm, thực hiện việc công bố hợp quy, gắn nhãn CR cho các sản phẩm cuối cùng này khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường Việt Nam (áp dụng quy trình như đối với sản phẩm chưa được kiểm tra vải nguyên liệu).


Hỏi: Doanh nghiệp có nhập quần áo về bán chợ với nhiều chủng loại khác nhau (thường thì lô hàng mỗi loại một cái và do nhiều công ty nước ngoài sản xuất) thì việc công bố hợp quy thực hiện như thế nào?

Đáp: Đối với sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu của Quý doanh nghiệp nếu thuộc danh mục điều chỉnh của quy chuẩn QCVN: 01/2017/BCT (không phụ thuộc vào số lượng), dù là tự công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá của Quý doanh nghiệp (bên thứ nhất) hay công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận/giám định của tổ chức chứng nhận/giám định đã được chỉ định (bên thứ ba) thì hình thức công bố hợp quy như sau:

Về Phương thức đánh giá phục vụ công bố hợp quy là phương thức 5 hoặc phương thức 7 được quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Về việc thử nghiệm phục vụ công bố hợp quy được thực hiện tại tổ chức thử nghiệm đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm theo quy định tại Nghị định 107/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá phù hợp.

Về hồ sơ công bố hợp quy, doanh nghiệp cần lập 02 (hai) bộ hồ sơ công bố hợp quy, trong đó 01 (một) bộ hồ sơ nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc cổng thông tin một cửa của Sở Công Thương và lưu 01 (một) bộ hồ sơ tại Quý doanh nghiệp. 


Hỏi: Nếu công bố hợp quy bên thứ nhất thì báo cáo đánh giá của doanh nghiệp phải thực hiện những nội dung gì để đảm bảo đúng quy định?

Đáp: Hồ sơ công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá của Quý doanh nghiệp (bên thứ nhất), nội dung báo cáo tự đánh giá gồm các thông tin sau:

- Tên tổ chức, cá nhân; địa chỉ; điện thoại, fax;

- Tên sản phẩm, hàng hóa;

- Số hiệu quy chuẩn kỹ thuật;

- Kết luận sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật;

- Cam kết chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật này và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và kết quả tự đánh giá.

- Đối với hàng hóa nhập khẩu bổ sung thêm các thông tin sau: nhãn hiệu, kiểu loại; đặc tính kỹ thuật; xuất xứ, nhà sản xuất; khối lượng, số lượng; cửa khẩu nhập; thời gian nhập; hợp đồng (Contract); danh mục hàng hóa (Packing list); hóa đơn (Invoice); vận đơn (Bill of Lading) hoặc chứng từ vận tải tương đượng (trong trường hợp không có vận tải đơn); tờ khai hàng hóa nhập khẩu).


Hỏi: Theo hướng dẫn tại mục số 1 công văn số 1457/BTC-KHCN, các sản phẩm dệt may khi đưa ra mua bán, trao đổi trên thị trường Việt Nam (người Việt Nam sử dụng) phải thực hiện công bố hợp quy. Nhưng Công ty chúng tôi sản xuất ra vải trong danh mục I thông tư 21/2017/TT-BCT sau đó bán vải cho các công ty trong nước và công ty này mua vải làm nguyên liệu để sản xuất ra quần áo xuất khẩu ra nước ngoài, cả nguyên liệu vải và quần áo sản xuất ra thì người Việt Nam đều không sử dụng. Vậy trường hợp này doanh nghiệp chúng tôi là người bán vải có phải công bố hợp quy và dán nhãn CR cho vải trước khi đưa hàng ra khỏi nhà máy để giao cho khách hàng hay không?

Đáp: Khoản 3.1. QCVN: 01/2017/BCT quy định“Các sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường Việt Nam phải được công bố hợp quy phù hợp với quy định tại Quy chuẩn này; gắn dấu hợp quy (dấu CR) …”

Căn cứ quy định nêu trên, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019, các sản phẩm dệt may thuộc Phụ lục 1 kèm theo QCVN (trừ các sản phẩm có mã HS 9619), khi đưa ra mua bán, trao đổi, tiếp thị trên thị trường Việt Nam phải thực hiện hợp quy, công bố hợp quy và dán nhãn CR. Nếu sản phẩm đó không đưa ra mua bán, trao đổi, tiếp thị trên thị trường Việt Nam (để xuất khẩu) thì không phải thực hiện hợp quy, công bố hợp quy và dán nhãn CR.

Trong trường hợp cụ thể Công ty đã trao đổi ở trên, cho thấy Công ty không phải thực hiện công bố hợp quy và dán nhãn CR cho vải trước khi đưa hàng ra khỏi nhà máy để giao cho khách hàng. Công ty cần phải có biện pháp quản lý để đảm bảo thông tin Công ty đã cam kết “cả nguyên liệu vải và quần áo sản xuất ra người Việt Nam đều không sử dụng”.


Hỏi: Theo quy định của thông tư 21, sản phẩm dệt may phải được công bố hợp quy trước khi đưa ra thị trường, chúng tôi có thể hiểu là đưa ra thị trường cho người tiêu dùng cuối cùng hay thế nào? Công ty chúng tôi (A) nhập khẩu vải dệt thoi để bán cho công ty B (sản xuất ghế). Sau đó công ty B sẽ bán ghế cho công ty C để lắp ráp ô tô và tiêu thụ ô tô ở thị trường trong nước. Như vậy công ty A hay công ty C phải làm công bố hợp quy?

Đáp: Tại 1.3.1 QCVN 01:2017/BCT quy định “Đưa ra thị trường Việt Nam: là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sản phẩm dệt may thực hiện hành vi mua bán, trao đổi, tiếp thị với tổ chức, cá nhân khác”;

Căn cứ các quy định nêu trên, cho thấy sản phẩm dệt may chịu sự điều chỉnh của QCVN 01:2017/BCT là các sản phẩm thuộc đối tượng phải kiểm tra chất lượng khi đưa ra thị trường Việt Nam.

QCVN không quy định cụ thể doanh nghiệp bán (nguyên vật liệu; sản phẩm) hay doanh nghiệp mua phải thực hiện việc hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu CR, việc này do các doanh nghiệp tự thỏa thuận, tuy nhiên phải đảm bảo nguyên tắc các sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường Việt Nam phải được công bố hợp gắn dấu hợp quy CR.


Hỏi: Sản phẩm vải dệt thoi nói trên sau 3 lần nhập khẩu liên tiếp mà phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hàm lượng formaldehyde và amind thơm thì có được miễn kiểm tra và làm công bố hợp quy không?

Đáp: QCVN 01:2017/BCT không quy định việc miễn kiểm tra và làm công bố hợp quy đối với các sản phẩm, hàng hóa sau 3 lần nhập khẩu liên tiếp và được chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật


Hỏi: Việc kiểm tra sự tuân thủ pháp luật đối với sản phẩm dệt may sẽ được Bộ công thương quản lý như nào?

Đáp: Tại mục 4.1.2. QCVN 01:2017/BCT quy định: Tổng cục Quản lý thị trường có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định tại Quy chuẩn.

Việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm sẽ được Tổng cục Quản lý thị trường lên kế hoạch, tổ chức thực hiện theo đúng chức năng, thẩm quyền của Tổng cục Quản lý thị trường đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Kết quả thực hiện sẽ được báo cáo Lãnh đạo Bộ Công Thương.


Nếu anh chị đang tìm hiểu về HỢP QUY MAY MẶC thì bộ tài liệu sau rất cần thiết cho anh chị tìm hiểu và áp dụng cho doanh nghiệp bạn. KNA gửi tặng anh chị: Tại đây.

Chia sẻ

Tin liên quan