CÔNG TY TNHH CHỨNG NHẬN KNA 

"Quality Innovation"

Hàng ngàn cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng không đạt chuẩn GMP sẽ bị 'xóa sổ'

Theo như lộ trình thực hiện GMP đã được đề ra từ ngày 1/7/2019 các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng không đạt chuẩn GMP, không được cấp chứng nhận GMP thì sẽ không được phép tiếp tục sản xuất.


Mới đây Nghị định số 15 ban hành có quy định về việc thi hành luật ATTP thay thế cho Nghị định 38 trước đây có nội dung quy định về việc này. Theo đó từ ngày 1/7/2019 tất cả các cơ sở sản xuất TPBVSK phải đạt tiêu chuẩn GMP. 

Điều đó có nghĩa, chỉ còn khoảng 1 năm nữa hàng nghìn cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng (TPCN) sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa vì không đảm bảo được yêu cầu đạt chuẩn GMP.

Từ ngày 1/7/2019, tất cả các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải đạt tiêu chuẩn GMP.

Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế ông Nguyễn Thanh Phong biết hiện nay cả nước có trên 4.000 cơ sở sản xuất TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, tuy nhiên nếu áp quy định của Nghị định 15 thì chỉ có trên dưới 300 cơ đạt đủ điều kiện GMP để tiếp tục được hoạt động.

“Trước đây, chúng ta chưa có quy định riêng về tiêu chuẩn sản xuất đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà vẫn quy định điều kiện sản xuất chung với tất cả các cơ sở sản xuất thực phẩm nói chung. Thực tế qua kiểm tra, rất nhiều doanh nghiệp hiện đã đạt được tiêu chuẩn GMP nhưng cũng còn rất nhiều doanh nghiệp chưa đạt tiêu chuẩn này”- TS. Nguyễn Thanh Phong nêu thực trạng.

Nếu kéo dài tình trạng như vậy, theo Cục trưởng Cục ATTP sẽ gây mất bình đẳng trong sản xuất kinh doanh và nhất là ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Bởi trong khi những cơ sở muốn đạt GMP phải đầu tư rất lớn thì nhiều cơ sở chỉ cần thuê một căn hộ, một nhà xưởng lụp xụp, trang bị vài thiết bị đóng gói... là đã sản xuất thực phẩm chức năng và đưa sản phẩm ra thị trường, người tiêu dùng không biết đâu mà lần.

Ông Phong cũng cho rằng, chúng ta không lo thiếu TPCN mà chỉ lo làm sao có đủ thực phẩm chức năng tốt, đảm bảo chất lượng và loại bớt các sản phẩm được sản xuất bởi các cơ sở không đảm bảo chất lượng, điều kiện quy định.

Theo thống kê, đến nay cả nước đã có trên 4.000 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 6.800 sản phẩm đang lưu hành. Việc sản xuất, phân phối TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phát triển một cách tự phát, tràn lan và thiếu minh bạch. Lợi dụng kẽ hở trong pháp luật, nhiều doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thực phẩm chức năng đã đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, công dụng không đúng với thực tế, tác dụng hỗ trợ sức khỏe không đúng so với quảng cáo khiến người tiêu dùng khó phân biệt, mất phương hướng, dẫn đến thiếu niềm tin.

Việc siết chặt quản lý thông qua đưa các cơ sở sản xuất các mặt hàng này vào chuẩn sẽ được kỳ vọng giám sát hoạt động sản xuất, bảo quản TPCN, thực phẩm bảo vệ được chặt chẽ.

Được biết, yêu cầu GMP đối với sản xuất TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không khác gì GMP đối với cơ sở sản xuất thuốc từ cơ sở vật chất, nhà xưởng, hệ thống thông khí đến hệ thống bảo vệ phải cách biệt với môi trường ô nhiễm… Bên cạnh đó, người chủ doanh nghiệp hoặc cán bộ phụ trách sản xuất của cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe đạt GMP tối thiểu phải có bằng đại học trong lĩnh vực chuyên ngành mà cơ sở sản xuất. Quy định về hệ thống hồ sơ sổ sách rất chặt chẽ, nhất là kiểm soát chặt nguyên liệu đầu vào. Cùng với đó, hệ thống kiểm nghiệm cũng phải đạt yêu cầu.

Theo: VietQ.vn

Chia sẻ

Tin liên quan