Lịch sử hình thành và phát triển của ISO 22000
Trong bối cảnh kinh tế ngày càng phát triển, yêu cầu về an toàn thực phẩm ngày càng tăng cao. ISO 22000 trở thành một trong những tiêu chuẩn quan trọng trong ch...
(VietQ.vn) - Sáng nay 10/10/2018, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) đã tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn thế giới.
Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn thế giới 2018
Với thông điệp “Tiêu chuẩn quốc tế và Cách mạng 4.0”, Ngày Tiêu chuẩn thế giới năm nay nhấn mạnh về tốc độ thay đổi nhanh chóng mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại những cơ hội cũng chứa đựng những thách thức riêng.
Theo đó, robot và trí tuệ nhân tạo sẽ ngày càng đảm nhiệm nhiều hơn những công việc trước đây do con người thực hiện, công nghệ chế tạo đắp lớp sẽ thay đổi cách tạo ra hàng hóa và cung cấp khả năng “in mọi thứ”. Và khi mọi thứ từ máy bay đến thiết bị theo dõi trẻ nhỏ được kết nối kỹ thuật số thì lỗ hổng bảo mật dữ liệu và hậu quả của sự vi phạm cũng tăng theo cấp số nhân.
Và lúc này tiêu chuẩn quốc tế sẽ trở thành giải pháp để đảm bảo an toàn và giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, tiêu chuẩn bảo mật có thể giúp cho dữ liệu an toàn hơn và ngăn chặn vấn đề tin tặc. Các tiêu chuẩn an toàn cho robot sẽ giúp việc tương tác với con người trở nên dễ dàng hơn…
Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của tiêu chuẩn trong đời sống kinh tế- xã hội của Việt Nam. Tiêu chuẩn không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn là cơ sở, định hướng công nghệ để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh áp dụng vào doanh nghiệp của mình.
Đánh giá về xu hướng tất yếu của cuộc CMCN 4.0, Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh cho rằng, cuộc CMCN 4.0 đang đến gần cùng với những công nghệ mới thì tiêu chuẩn càng thể hiện vai trò của mình trong việc đi sâu, đi sát và cùng đồng hành phát triển. Do đó, việc xây dựng tiêu chuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn và áp dụng tiêu chuẩn là việc hết sức cần thiết để hài hòa tất cả các yêu cầu của công nghệ mới trong cuộc CMCN 4.0 đang đến rất gần.
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm
Ông Vinh cho biết, trong thời gian tới lĩnh vực ưu tiên xây dựng tiêu chuẩn sẽ là: Đô thị thông minh. IT, Tự động hóa, giao thông thông minh, truy suất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ số hóa, kiểm soát môi trường và phát triển hệ thống TCVN cho sản xuất thông minh sẽ tập trung vào tiêu chuẩn khung, tiêu chuẩn hệ thống quản lý và tiêu chuẩn sản phẩm dịch vụ.
Hiện Bộ KH&CN đã đẩy mạnh đổi mới trong các doanh nghiệp đặc biệt là những doanh nghiệp khởi nghiệp; Tập trung nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0; Rà soát lại các chương trình, đề án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hướng CMCN 4.0. Phối hợp với các bộ, ngành khác về chọn lựa sản phẩm chủ lực...
Đề cập đến vấn đề sản xuất thông minh tại Việt Nam từ góc độ TCĐLCL, ông Cao Việt Bách - Vụ Đo lường cho hay, hiện các doanh nghiệp Việt Nam cũng tích cực triển khai áp dụng khoa học công nghệ để tiến tới sản xuất thông minh và tự động hóa. Một số tập đoàn trong nước tập trung vốn và công nghệ mà điển hình có tập đoàn Vingroup với sản phẩm ô tô Vinfast. Thương hiệu ô tô "Made in Viet Nam" Vinfast vừa góp mặt tại Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 summit 2018.
Đề cập về hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn tại các doanh nghiệp trong cuộc CMCN 4.0, ông Phạm Ngọc Bích – Phó TGĐ Công ty Thiết bị điện (THIBIDI) chia sẻ, tiêu chuẩn hoá trong cuộc cách mạng 4.0 đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng nhanh chóng phù hợp với đổi mới công nghệ, thiết bị tự động hoá cao… giúp cho quá trình sản xuất nhanh hơn, tốn ít sức người hơn, thu thập dự liệu đầy đủ hơn, chi phí giảm, chất lượng đảm bảo, năng suất cao và giá thành giảm.
Ông Phạm Ngọc Bích (phải) và ông Lê Ngọc Quỳnh (trái) tham luận tại Kễ kỷ niệm Ngày tiêu chuẩn thế giới 2018
“THIBIDI áp dụng tiêu chuẩn hoá phù hợp với công nghệ tự động hoá cao, từ công nghệ lõi tôn, quấn dây, vỏ thùng, sơn tự động, thí nghiệm… có thể kết nối và truyền dữ liệu qua hệ thống máy tính. Tiêu chuẩn hóa nhằm đạt được mức độ trật tự tối ưu trong một khung cảnh nhất định. Mục đích của tiêu chuẩn hóa nhằm tạo thuận lợi cho trao đổi thông tin; đơn giản hóa, thống nhất hóa tạo thuận lợi phân công, hợp tác sản xuất, tăng năng suất lao động, thuận tiện khi sử dụng sửa chữa; đảm bảo vệ sinh, an toàn cho người sử dụng, người tiêu dùng và thúc đẩy thương mại toàn cầu”, ông Bích chia sẻ.
Khẳng định tầm quan trọng của hoạt động tiêu chuẩn, đại diện Công ty DAIKIN Việt Nam, ông Lê Ngọc Quỳnh – GĐ Maketing cho rằng, tiêu chuẩn giúp tạo ra sân chơi lành mạnh, công bằng giữa các doanh nghiệp, các nhà sản xuất. Có tiêu chuẩn, vị thế doanh nghiệp được nâng cao cũng như tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tiêu chuẩn hóa giúp các nhà sản xuất hội nhập và nâng cao cơ hội xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận những thông tin về sản phẩm nhằm kiểm chứng cũng như đưa ra đựa lựa chọn đúng đắn.
Hiện DAIKIN Việt Nam đang là doanh nghiệp đi đầu trong công tác tham gia xây dựng và phát triển hệ tiêu chuẩn quốc gia.
Theo: VietQ.vn