CÔNG TY TNHH CHỨNG NHẬN KNA 

"Quality Innovation"

Hàng loạt vụ tai nạn lao động chết người: Bất khả kháng hay thiếu trách nhiệm?

Chỉ trong vòng có 1 tháng mà hàng loạt các vụ tai nạn lao động khá nghiêm trọng đã xảy ra trên địa bàn TP.HCM khiến ít nhất 3 người chết và 3 người bị thương. Điều đáng nói là những vụ tai nạn chết người như trên đều có thể xảy ra được ở các công trình xây dựng dự án bất động sản với quy mô lớn.


Khi gặp những trường hợp đau lòng thì nhiều chủ đầu tư và nhà thầu đều cho rằng đó là sự cố bất khả kháng không ai mong muốn. Trên thực tế này khiến nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc sử dụng đồ bảo hộ lao động.

 tai nạn lao động

Báo động tình trạng tai nạn lao động

Thời gian gần đây, tình trạng công nhân, người lao động tử vong và bị thương vì tai nạn lao động trên địa bàn TP.HCM liên tục xảy ra khiến nhiều người phải rùng mình.

Theo ghi nhận của báo Thế Giới Tiếp Thị Online, chỉ trong vòng hơn 1 tháng vừa qua, đã có ít nhất 3 vụ tai nạn lao động làm 3 người bị thương, 3 người tử vong. Điển hình mới đây nhất ngày 29/10, anh Nguyễn Văn Tuấn E. (SN 1998, quê tỉnh Đồng Tháp) và anh Nguyễn Hoàng N. (SN 1986, quê tỉnh Bến Tre) là công nhân làm việc tại công trình xây dựng của dự án Terra Royal do công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Nhà - Intresco làm chủ đầu tư.

Trong quá trình thực hiện công việc xây tô ở tầng 17, anh Tuấn E. đứng trên giàn giáo phía ngoài xây tường, còn anh N. đứng phía trong. Khi đang xây tô, anh N. nghe tiếng động mạnh, nhìn ra thì thấy anh Tuấn E. rơi xuống  tầng 13, tử vong.

Công trình xây dựng của Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Nhà - Intresco

Ngày 12/9, tại công trình trình khu Trung tâm thương mại và căn hộ Saigon Homes (đường hương lộ 2, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TP.HCM) xảy ra sự cố đổ giàn giáo. Vụ việc khiến ông Hà Văn Kh. (SN 1960, quê tỉnh Vĩnh Phúc) và bà Nguyễn Thị Q. (SN 1959, quê tỉnh Trà Vinh) chết tại chỗ.

Cũng trong tháng 9, ba nam công nhân đang làm việc tại công trình Trung tâm thương mại trên đại lộ Phạm Văn Đồng, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM do công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt làm đơn vị thi công; Công ty TNHH Đầu tư, Thương mại, Dịch vụ Khang Gia (Khang Gia land) làm chủ đầu tư, đã rơi từ khu vực tầng 3 xuống đất. Nhiều công nhân phát hiện sự việc hốt hoảng đưa những người này đi cấp cứu.

An toàn lao động vẫn là vấn đề chưa được giải quyết triệt để

Hàng loạt vụ tai nạn lao động xảy ra đã khiến nhiều người lo lắng cho số phận, sự an toàn của những công nhân làm việc tại công trình. Anh P.T.T. (quê Quảng Ngãi) đang làm việc tại một công trình trên đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết: “Gia cảnh khó khăn, học hành không đến nơi, chúng tôi mới phải đi lao động chân tay. Nhiều lần đọc báo thấy công nhân rơi từ tầng cao xuống đất tử vong, tôi cũng ngán lắm, nhưng biết làm sao, xin việc nhẹ nhàng không được thì phải làm công nhân xây dựng, kiếm tiền trang trải cuộc sống”.

Trong khi đó, anh H.Tr. (quê Bình Thuận) chia sẻ: “Làm nghề này, mấy ai mà có được hợp đồng lao động, bảo hộ lao động. Tôi đây, không phải là công nhân của nhà thầu chính, mà làm việc với một cai thầu, ông chủ kêu đến đâu làm thì đi đấy làm, vì tiền thì vẫn phải làm thôi. Tính mạng của mình phải tự bảo vệ, tôi không dám làm việc ở trên cao, nên xin làm phụ ở khu vực thấp, an toàn hơn cho bản thân”.

Chủ đầu tư, nhà thầu phải chịu trách nhiệm cao nhất

Một công nhân xây dựng đề nghị giấu tên đang làm việc trong công trình nhà cao tầng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM cho biết: “Thực ra, làm việc trong công trình xây dựng, chỉ một sai sót nhỏ thôi cũng lấy đi nhiều mạng người. Trong công trình có đến mấy trăm người, không phải ai cũng ý thức được độ nguy hiểm trong làm việc, ban giám sát cũng không thể đôn đốc từng người, nhưng khi sự cố xảy ra thì người thiệt vẫn là chúng tôi. Thực tế, trong 100 người thì chắc được vài người có hợp đồng, bảo hiểm lao động”.

Trong nhiều trường hợp, các nhà thầu, chủ đầu tư nơi xảy ra tai nạn lao động đều “đá quả bóng trách nhiệm”. Với hàng loạt lý do đưa ra như công nhân vô ý, sự cố hi hữu...

Chỉ một sơ suất nhỏ, hay không bảo hộ kỹ trong quá trình lao động, công nhân làm việc trong công trình xây dựng có thể tử vong

Nhận định về tình trạng tai nạn lao động hiện nay, ông Ngô Quang Phúc - Tổng giám đốc Phú Đông Group cho biết: “Là một trong những đơn vị trong lĩnh vực xây dựng nhà ở, tôi luôn ý thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ, nâng cao an toàn cho người lao động, mỗi công trình đều có hợp đồng với một bên đơn vị thi công để xây dựng công trình và họ tự quản luôn công nhân. Tuy nhiên, tôi cũng phải thuê hẳn một đơn vị giám sát riêng để vừa phổ biến an toàn lao động vừa giám sát hoạt động thi công, an toàn lao động, thậm chí tôi còn phải trực tiếp xuống công trình để tuyên truyền để hạn chế tai nạn lao động”.

Theo ông Phúc, quan trọng nhất là trách nhiệm của chủ đầu tư và ý thức của người lao động. Chủ đầu tư cần siết chặt các quy định hoạt động trong công trình thì công nhân phải tuân thủ, bên cạnh đó phải thường xuyên giám sát chặt chẽ thì mới có thể giảm thiểu sự cố tai nạn lao động, tránh trường hợp xấu.

Theo số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, nhiều năm qua, TP.HCM là đơn vị luôn đứng đầu danh sách 10 địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất.

Theo thống kê trên địa bàn TP.HCM, năm 2017 số vụ tai nạn lao động tăng 50% so với năm 2016 (tăng 7 vụ làm 7 người chết). Các vụ tai nạn lao động xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, khai thác thủy hải sản.

Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, năm 2017 chỉ có 5.387 doanh nghiệp báo cáo tình hình tai nạn lao động, chiếm 12,8% trong tổng số cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động. 

Chia sẻ

Tin liên quan