CÔNG TY TNHH CHỨNG NHẬN KNA 

"Quality Innovation"

Tổng quan về Mô Hình Smart & ví dụ về mục tiêu Smart

Mô hình SMART đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp đạt được năng suất và hiệu quả cao trong các hoạt động của doanh nghiệp. Vậy mô hình SMART là gì? Tại sao doanh nghiệp cần áp dụng mô hình SMART? Hãy cùng KNA CERT đọc và tìm hiểu trong bài viết này. 

MÔ HÌNH SMART LÀ GÌ? 

Để triển khai chiến lược doanh nghiệp thành công, việc xây dựng mục tiêu phù hợp cho từng hoạt động là điều quan trọng và cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp. Một trong những phương pháp hữu dụng để xây dựng mục tiêu hiệu quả đó là áp dụng mô hình SMART. 

tổng quan về mô hình smart

Mô hình SMART là mô hình thiết lập mục tiêu hiệu quả giúp các doanh nghiệp hay các chuyên gia thiết lập và đánh giá tính cụ thể, mức độ khả thi, sự liên quan và tính hợp lý của các mục tiêu trong kế hoạch dựa trên 5 tiêu chí tương ứng với 5 chữ cái trong từ SMART: 

  • S - Specific: Cụ thể 
  • M - Measurable: có thể Đo lường được 
  • A - Achievable: Tính khả thi 
  • R - Relevant: Sự liên quan 
  • T - Time-Bound: Thời gian đạt được mục tiêu 

PHÂN TÍCH MÔ HÌNH SMART   

Mô hình SMART được hình thành từ 5 yếu tố chính, cụ thể bao gồm các yếu tố sau:   

  1. Specific (Cụ thể)

Mục tiêu cụ thể, là mục tiêu có kết quả mong muốn được xác định rõ ràng. Các mục tiêu được đề ra càng chi tiết và cụ thể bao nhiêu thì doanh nghiệp sẽ càng dễ nắm bắt và đo lường mức độ khả thi của các hoạt động bấy nhiêu. Khi doanh nghiệp đặt mục tiêu cụ thể, rõ ràng và dễ hiểu, thì các hành động cần triển khai để đạt được mục tiêu cũng sẽ được xác định dễ dàng hơn. Ngược lại, nếu doanh nghiệp chỉ tóm gọn mục tiêu trong những lời lẽ chung chung thì sẽ rất khó để đo lường mức độ khả thi, không rõ công việc đã làm hoặc cần làm có phù hợp với đích đến hay không. 

Tiêu chí cụ thể của mục tiêu SMART là cơ sở cho các tiêu chí khác trong mô hình SMART. 

  1. Measurable (Đo lường được)

Tiêu chí này thể hiện qua những con số được gắn liền với các mục tiêu cụ thể. Hay nói một cách chi tiết hơn, khi xây dựng mục tiêu, doanh nghiệp cần chắc chắn mình có thể đo lường được mục tiêu đó bằng cách sử dụng những con số hoặc chỉ số, chỉ tiêu. 

Việc xây dựng mục tiêu theo tiêu chí Measurable thể hiện tham vọng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần xác định mục tiêu có thể định lượng được để dễ dàng theo dõi tiến độ. Tiếp đó là xác định dữ liệu nào sẽ được sử dụng để đo lường mục tiêu và đặt ra phương pháp thu thập dữ liệu nhằm chứng minh khả năng đo lường được. 

tổng quan về mô hình smart

  1. Achievable (Tính khả thi)

Tính khả thi là tiêu chí quan trọng khi thiết lập mục tiêu SMART. Doanh nghiệp cần cân nhắc xem khả năng hoàn thành mục tiêu đó có khả thi hay không. Việc xác định tính khả thi của mục tiêu cũng là động lực để doanh nghiệp cố gắng. 

Một mục tiêu đáp ứng được tiêu chí khả thi nên là mục tiêu mà đội ngũ nhân viên có thể sở hữu những khả năng, kinh nghiệm để đạt được mục tiêu đó. Con số mà mục tiêu SMART hướng tới nên nằm trong phạm vi mà đội ngũ nhân viên có thể hoàn thành. Nếu mục tiêu chưa thể thực hiện được, doanh nghiệp có thể cần phải tăng cường nguồn lực để có cơ hội thành công. 

  1. Relevant (Sự liên quan)

Một mục tiêu có tính liên quan theo mô hình SMART tức là phải phù hợp với mục tiêu chung của doanh nghiệp. Có một cách để kiểm tra xem mục tiêu đó có phù hợp hay không đấy là xác định mục tiêu mang lại lợi ích gì cho tổ chức, doanh nghiệp. Một mục tiêu có sự liên quan sẽ hỗ trợ và thúc đẩy việc hoàn thành mục tiêu chung của doanh nghiệp.  

  1. Time-Bound (Thời gian đạt được mục tiêu)

Mục tiêu cần có thời hạn. Một mục tiêu có thời gian cụ thể sẽ giúp ban lãnh đạo và đội ngũ nhân viên xây dựng được lộ trình thực hiện cụ thể. Giới hạn thời gian cho việc hoàn thành mục tiêu cũng giúp tạo động lực cho đội ngũ nhân viên của doanh nghiệp. Nhân viên sẽ cố gắng hết sức để có thể đạt được mục tiêu trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu không có giới hạn về mặt thời gian, các thành viên sẽ không thực sự nỗ lực để đạt được mục tiêu, vì lúc nào hoàn thành công việc cũng được.  


DỤ VỀ MÔ HÌNH SMART TRONG DOANH NGHIỆP? 

Để làm rõ về các tiêu chí của mô hình SMART khi áp dụng vào doanh nghiệp, KNA CERT có ví dụ về một hoạt động cụ thể tại doanh nghiệp như sau:  

Mục tiêu SMART: Trong 3 tháng, số lượng khách hàng truy cập vào trang web của doanh nghiệp tăng lên 30% bằng cách trả thêm chi phí quảng cáo trên Facebook, Youtube cho những nội dung nhận được nhiều tương tác và được đọc nhiều nhất. 

  • Tính cụ thể (Specific): Tăng số lượng người truy cập trang web doanh nghiệp qua việc tăng ngân sách chạy quảng cáo Facebook, Youtube cùng các nội dung được nhiều người đọc và tương tác. 

tổng quan về mô hình smart

  • Tính đo lường được (Measurable): Mục tiêu tăng 30% 
  • Tính khả thi (Achievable): Từ kết quả đo lường được, hầu hết khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp truy cập vào trang web của doanh nghiệp thông qua các nội dung xu hướng của các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook và Youtube. Vậy nên khi tiến hành chạy quảng cáo trên 2 nền tảng mạng xã hội trên để lượng truy cập tăng 30% có tính khả thi. 
  • Sự liên quan (Relevant): Khi tăng lương truy cập vào trang web của doanh nghiệp, độ nhận diện thương hiệu được nâng cao và thu hút về nhiều khách hàng tiềm năng. 
  • Thời gian đạt được mục tiêu (Time-Bound): 3 tháng 

TẠI SAO DOANH NGHIỆP NÊN ÁP DỤNG MÔ HÌNH SMART? 

  1. Cụ thể hóa mục tiêu

Mô hình SMART giúp doanh nghiệp cụ thể hóa mục tiêu hoạt động của mình bằng cách xác định rõ ràng những gì doanh nghiệp muốn đạt được, với ai, bằng cách nào và tại sao. Doanh nghiệp có thể cụ thể hóa mục tiêu bằng những chỉ số đo lường nhất định. Điều này giúp ban lãnh đạo đánh giá được tiến trình thực hiện mục tiêu. Đồng thời doanh nghiệp có thể tránh những mục tiêu mơ hồ, chung chung hoặc khó hiểu, có thể gây ra sự nhầm lẫn, sai lệch cho các hoạt động của mình. 

  1. Giúp mục tiêu phù hợp với tổ chức

Mô hình SMART giúp doanh nghiệp tăng mức độ phù hợp, khả thi của mục tiêu của bằng cách đảm bảo rằng mục tiêu đó phù hợp với chiến lược, mục đích và tầm nhìn của doanh nghiệp. Khi đáp ứng được những tiêu chí của mô hình SMART, ban lãnh đạo sẽ loại bỏ được các mục tiêu không phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp, gây mất thời gian và tốn kém nguồn lực. Mỗi người sẽ có một định hướng chính xác hơn về việc xác định được sự phù hợp và mức độ ưu tiên đối với các mục tiêu. 

tổng quan về mô hình smart

Cùng với đó, các mục tiêu được xây dựng theo mô hình SMART sẽ có yếu tố giới hạn về mặt thời gian. Do đó, doanh nghiệp có thể sắp xếp, ưu tiên làm trước các công việc có thời hạn gấp rút, cần thiết hơn.  

3.      Dễ dàng kiểm soát việc thực hiện mục tiêu 

Mô hình SMART giúp doanh nghiệp cải thiện khả năng đo lường các mục tiêu của mình bằng cách đặt ra các chỉ số đo lường. Điều này giúp doanh nghiệp kiểm soát và điều chỉnh các hoạt động của đội ngũ nhân viên. Đội ngũ nhân viên cần đạt kết quả gì? Họ cần hoàn thành ở ngưỡng nào? Kết quả nào mới được xem là đạt chuẩn? Từ đó đảm bảo đạt được mục tiêu một cách kịp thời và hiệu quả. 

  1. Tạo nên sức mạnh tổng thể

Mỗi phòng ban trong doanh nghiệp đều có mục tiêu riêng. Tiêu chí Relevant (Sự liên quan) sẽ giúp liên kết những mục tiêu riêng của phòng ban với mục tiêu chung của doanh nghiệp. Tính liên quan sẽ như một cầu nối gắn kết giúp doanh nghiệp gia tăng sức mạnh thực hiện các mục tiêu to lớn, đối diện với khó khăn như một tập thể chứ không phải với các nỗ lực đơn lẻ, rời rạc, không gắn kết. 

  1. Gia tăng hiệu suất làm việc của nhân viên

Mô hình SMART giúp doanh nghiệp gia tăng hiệu suất làm việc của nhân viên bằng cách tạo ra sự rõ ràng, minh bạch và thống nhất về mục tiêu của mình. Nhân viên sẽ có định hướng trong quá trình làm việc để hướng tới một mục tiêu cụ thể hơn. 

Thông qua mô hình này, các kết quả làm việc của nhân viên được đo lường và đánh giá chính xác. Họ có thể kết nối công việc và hiểu rõ những điều mình đang đóng góp vào thành công chung của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các đầu công việc của họ có giới hạn thời gian, giới hạn đó giúp họ nỗ lực hơn và đạt được hiệu suất công việc tốt hơn. 

Cùng với đó, ban lãnh đạo có thể giao nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn cho nhân viên để họ có thể thực hiện các hoạt động một cách trách nhiệm và hiệu quả. 

>>> Giới thiệu về MFCA - Phương pháp hạch toán chi phí Dòng nguyên liệu


Trên đây là toàn bộ thông tin cơ bản nhất về nội dung cũng như lý do nên áp dụng mô hình SMART trong tổ chức, doanh nghiệp. Nếu tổ chức, doanh nghiệp còn đang gặp khó khăn trong việc xác định mục tiêu SMART, vui lòng liên hệ với KNA CERT qua số Hotline: 0932.211.786 hoặc Email: salesmanager@knacert.com để được biết thêm thông tin chi tiết.

Chia sẻ

Tin liên quan